Thomas Alva Edison là một nhà phát minh và thương nhân đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sốngtrong thế kỷ 20. Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử.
Xuất thân từ một gia đình bình thường, làm thế nào Edison trở thành nhà phát minh kỳ tài nhất thế giới?
Tuổi thơ hiếu kỳ và bị coi là ngu dốt
Thomas Edison là con thứ bảy trong gia đình. Edison là một đứa trẻ có cái đầu to khác thường và thường xuyên đi học muộn vì ốm yếu. . Càng lớn , Edison càng tỏ ra hiếu kì. Cậu thường đặt các câu hỏi “tại sao, thế nào... “ và các câu thắc mắc không bao giờ hết của cậu đã khiến cho những người chung quanh đành phải trả lời “không biết”. Khi lên 5 tuổi, Edison thường lang thang bên bờ sông mà coi người lớn làm việc. Tại nơi này, cậu được nghe nhiều bài hát và đã thuộc lòng rất nhanh các câu ca bình dân, điều này chứng tỏ Edison có một trí nhớ rất tốt.
Edison được cha mẹ cho đi học tại một ngôi trường độc nhất. Trường chỉ có một lớp với khoảng 40 học sinh, lớn có, nhỏ có, học một ông giáo theo các trình độ khác nhau. Trong phòng học những chỗ ngồi gần ông thầy chỉ để dành cho các trẻ em ngu đần. Tại lớp học, Edison đặt rất nhiều câu hỏi hắc búa mà lại không chịu trả lời các câu hỏi của thầy. Al thường đội sổ, khiến cho các bạn cậu chế riễu cậu là đần độn.
Một hôm, nhân có viên thành tra vào thăm lớp học, thầy giáo đã chỉ vào Al và nói : “trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Al rất căm hận về hai chữ “điên khùng” và đem câu chuyện này kể lại với mẹ. Bà Nancy khi nghe kể xong, liền nổi giận, bà dẫn ngay Al đến trường và bảo ông giáo : “ông bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”. Điều này đã kết thúc ba tháng đi học tại trường của Edison. Bà khuyến khích và dạy Edison đọc và làm thực nghiệm. Sau này ông nhớ lại, "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng."
Hơn 10,000 lần thất bại…
Một trong những phát minh vĩ đại của Edison là tạo ra ánh sáng cho nhân loại. Ông muốn biến điện năng thành ánh sáng. Nếu nhìn vào một cái bóng đèn, bạn sẽ thấy một sợi dây rất mỏng nối liền hai cây que nhỏ. Chính sợi dây tóc này làm cho bóng đèn sáng lên. Khi dây tóc bị đứt, thì bóng đèn cháy.
Edison đã thử hàng ngàn thứ khác nhau trước khi tìm ra đúng vật liệu để làm sợi dây tóc đó. Có không ít những lời phê bình và công kích mỗi khi thực nghiệm không thành công. Người ta gọi ông là “nhà hoang tưởng”, “quân lừa bịp”... Nhưng Edison không bỏ cuộc. Ông đủ dũng khí và lòng kiên trì để quyết tâm phấn đấu đến cùng. Ông đã thử tóc người, vỏ dừa, và tre, làm đi làm lại nhưng đều thất bại. Rồi khi ông ngồi táy máy cái nút áo khoác, thì nút rơi vào tay ông.
- Đúng rồi! Đây sẽ là cái mà ta sẽ dùng làm dây tóc! Ông thốt lên khi chụp cái nút tòn ten ở đầu chỉ.
Ông biến chỉ thành than, là nguyên tố hóa học các-bon, bằng cách cho vào khuôn ni-ken. Ông cho cái khuôn này vào lò suốt năm giờ. Khi khuôn nguội, ông lấy sợi chỉ mong manh ra, rồi cho vào một vật chứa bằng thủy tinh, sau này gọi là bóng đèn. Ông tạo chân không trong đó, nghĩa là ông lấy hết không khí từ trong đó ra. Ông làm như thế vì nếu không khí còn lại trong bóng, thì sợi chỉ sẽ bị đốt cháy.
Sau đó Edison cho dòng điện chạy qua. Dòng điện sẽ chạy được trong bao lâu? Edison hồi hộp chờ đợi. Ông đã làm việc suốt cả đêm và đang mệt đừ. Nhưng ông phải tận mắt xem điều này.
Dây tóc sáng được 45 tiếng. Mặt Edison cũng sáng lên vì đã thành công. Bóng đèn điện đã được phát minh. Hôm đó là ngày 21-10-1879. Ngày này được đặt là “ngày kỷ niệm đèn điện”.
Thomas Edison đã "thất bại" đến hơn 10,000 lần thử nghiệm để phát minh ra bóng đèn. Khi ông được hỏi làm thế nào mà ông tiếp tục được, ông chỉ đơn giản tin rằng những kết quả mà ông gặt hái được thật ra là khám phá được 10,000 cách để không phát minh được bóng đèn mà thôi!
Ông đã không bao giờ xem những thử nghiệm của mình là thất bại. Thay vào đó, ông xem chúng như một cơ hội để học.
Khi nào bật đèn trong phòng lên, bạn hãy nhớ rằng nhờ những nỗ lực liên tục và bền bỉ của Thomas Edison mà ngày nay thế giới mới có thời đại của ánh sáng.
“Rất nhiều sự thất bại trong cuộc sống đều là do người ta không nhận ra họ đã gần với sự thành công tới chừng nào khi họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình.” – Thomas Edison
Hanoinet - Cô học trò hồn nhiên say mê bên những câu chuyện về chàng cao bồi với biệt tài bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình (Lucky Luke - Bỉ) hay thám tử Kindaichi (Nhật).
16 tuổi, Vân đã là một trong ba “sếp” điều hành một trang web chuyên về truyện tranh Việt Nam, Nhật và Âu Mỹ. Am tường về mọi thể loại truyện tranh, dành nhiều tâm huyết và thời gian cho nó, vậy mà bạn ấy vẫn có bảng thành tích học tập thật đáng nể.
Vân có nụ cười dễ thương và trông cực hiền lành. Giọng nói nhí nhảnh, có phần hơi “trẻ con” nhưng những việc làm và suy nghĩ của cô bé mới 16 tuổi này thì không hề trẻ con chút nào.
Không có tài năng không có nghĩa là từ bỏ
Những bạn trẻ nào đam mê truyện tranh chắc hẳn đã từng có một ao ước giá như mình có thể vẽ được những bộ truyện như thế. Nhiều bạn đọc truyện xong là ngồi hàng giờ vẽ lại nhân vật mình thích, và từ đó thích vẽ và vẽ rất đẹp. Nhưng Vân không được sở hữu khả năng tuyệt vời ấy.
Đọc truyện từ hồi nhỏ xíu , đến giờ Vân cũng không thể nhớ nổi mình đã đọc bao nhiêu bộ truyện. Trước đây, có thời gian Vân miệt mài vẽ, vì ý tưởng nhiều mà không vẽ ra được thì cảm thấy chán nản lắm, “nhưng rồi một thời gian, tự nhận thấy mình không có khả năng thì thôi”. Cô bạn nói “thôi” không có nghĩa là từ bỏ niềm đam mê ấy mà để “chuyển hóa” năng lượng dành cho những gì thiết thực và có ích hơn.
Mọi chuyện bắt đầu khi Vân cùng 2 người bạn là chị Thanh Thảo (phụ trách nội dung, mỹ thuật) và anh Tuấn Alex (họa sĩ truyện tranh) đều là thành viên diễn đàn phanthi.com/fc (diễn đàn của công ty truyện Thần đồng đất Việt) nhận thấy truyện tranh Việt vẫn chưa có được tiếng nói riêng và gây dựng được một cộng đồng lớn mạnh. Ý tưởng “tất cả vì truyện tranh Việt Nam” đã cho ra đời “Nông trường truyện tranh Việt Nam (Vietnam Comic Farm - VNCF).
Tấm poster phong cách truyện tranh chúc mừng sinh nhật VNCF
“Nó thật sự không phải là một ý tưởng quá xa vời và vô nghĩa, nhưng tại sao trước anh Tuấn, không ai nhắc tới?”, Vân tâm sự về băn khoăn cách đây một năm, trước ngày web ra đời. Tập trung chủ yếu về truyện tranh Việt Nam với phong cách mộc mạc, thân thiện và thuần Việt, nhưng vẫn cập nhật các thể loại truyện tranh Nhật Bản và Âu Mỹ để phục vụ nhu cầu đa dạng của các độc giả trẻ.
Mình chỉ học, chứ không chạy đua thành tích
Nhắc tới truyện tranh, Vân say sưa kể là thế mà khi hỏi đến chuyện thành tích học tập, bạn ấy chỉ… mỉm cười dí dỏm “Mình không chạy theo thành tích đâu nhé”. Cô bạn cực kỳ khiêm tốn và cố tình giấu nhẹm chuyện đạt giải khuyến khích HSG cấp quận môn tiếng Anh (2002), giải ba cấp trường môn Văn (2006), giải ba Olympic tiếng Anh thành phố khối PTTH (2008).
Lúc ở trường thì Vân rất tự tin nhưng không hiểu sao, cứ đến khi bước vào cuộc thi là “Mình sợ lắm, người cứ run lên và tay chân luống cuống không biết phải làm gì cả”. Chắc cũng vì nỗi sợ “thi cử” này mà Vân để tuột mất nhiều giải thưởng cao mà khả năng của Vân có thể đạt được. Sau cuộc thi hùng biện on The Top của web tienganh.com.vn, Vân hiểu “kinh nghiệm lúc đó của mình là con số 0, dù có chọn một đề tài hùng biện khác chắc kết quả vẫn vậy. Nhưng sau đó, mình đã khác, thấy hăng hái, máu me, khí thế hơn để đến với những thử thách trong tương lai”.
Vân (đứng) và thành viên của VNCF đến thăm, tặng quà cho các bạn nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam.
Thật ngạc nhiên khi biết được động lực cho quyết tâm học của Vân không phải là bảng thành tích hay từ gia đình mà từ những lần đến thăm làng Hữu Nghị - nơi ở của những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam và làng chài ven sông Hồng. “Hình ảnh các bạn khao khát, nâng niu từng cuốn sách, tập vở, cây bút chì khiến mình ứa nước mắt. Còn mình đầy đủ điều kiện học tập mà còn có lúc chểnh mảng, chán học, thật xẩu hổ” .
Vân cũng nuôi một ước mơ trở thành người sáng tác truyện tranh, “nhưng nếu mình không làm được thì cũng không sao, mình sẽ vẫn luôn ủng hộ, cổ vũ cho các bạn khác. Nếu không biến được ước mơ của mình thành sự thật thì tại sao không biến ước mơ của người khác thành hiện thực?”, Vân chia sẻ.
Vân (ngồi) nhí nhảnh, hồn nhiên bên bạn bè.
Cô học trò hồn nhiên say mê bên những câu chuyện về chàng cao bồi với biệt tài bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình (Lucky Luke - Bỉ) hay thám tử Kindaichi (Nhật). Truyện tranh Việt Nam cũng chiếm trọn tình cảm của Vân: “Mình thích Long Thần Tướng, Băng nữ. Những câu chuyện lấy bối cảnh xưa cũ, thời kỳ Đại Việt thế kỷ 13 với nhiều tình tiết, diễn biến rất hay mà đặc biệt là nhiều đoạn teen lắm, rất gần gũi với các bạn trẻ”.
Vị "sếp nhí" này vẫn đang nuôi giấc mơ cùng thành viên của VNCF sẽ trở thành một gia đình thực sự, cùng phát triển và “cày cấy cho cây truyện tranh Việt Nam xanh tốt”. Tuổi nhỏ nhưng… không chịu làm việc nhỏ, Vân và các bạn còn tham vọng sẽ có một nhà xuất bản riêng của VNCF. Hết mình cống hiến và say mê, “nông trường” đang ngày một lớn mạnh vì Vân hiểu, đây không còn là ước mơ của riêng mình.