Công nghệ nano có nghĩa là gì nhỉ? Tại sao nó lại giúp con người "biến hóa" thành siêu nhân?
Bạn biết không, công nghệ nano là một ngành công nghệ hiện đại. Mục tiêu của ngành là tập trung nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm có kích thước siêu nhỏ, chỉ đo đếm được ở hàng nanomet (1 nm = 10-9 m, hoặc có thể xem 1 nanomet chỉ bằng 1 phần triệu vạch 1 mm trên chiếc thước kẻ, tương đương 1 phần tỉ mét).
Vật liệu nano mang những đặc tính kỳ diệu mà các vật liệu thông thường khác không có được. Không chỉ chế tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống, kỹ thuật nano còn được đem vào ứng dụng đa dạng trên cơ thể con người. Hôm nay, chúng mình hãy cùng điểm qua một số những phát minh mới nhất trong lĩnh vực này nhé!
1. Cơ bắp nhân tạo
Năm 2006, các nhà khoa học tại Đại học Texas, Dallas (Mỹ) công bố trên tạp chí Science rằng họ đã chế tạo thành công cơ bắp nhân tạo. Cơ bắp nhân tạo sử dụng nhiên liệu là cồn và hydro, khỏe hơn cơ bắp thường 100 lần. Phát minh này đã mở ra triển vọng to lớn trong việc chế tạo chân - tay giả cũng như robot tự điều khiển.
Cơ bắp nhân tạo từ vật liệu nano khỏe hơn rất nhiều lần so với cơ bắp thường.
2. Tác động vào bộ não
Liệu công nghệ nano có thể biến đổi não bộ và hệ thần kinh của con người? Bằng kỹ thuật cấy ghép vật liệu nano, các nhà khoa học hiện đã có thể chữa được những căn bệnh như mù, điếc và Parkinson. Trong dự kiến, công nghệ nano còn có thể sử dụng để ghi - đọc thông tin trực tiếp từ não bộ con người.
Công nghệ nano hứa hẹn được dùng để ghi - đọc thông tin từ não người.
3. Mắt kỹ thuật số
Tưởng như chỉ xuất hiện trong những bộ phim viễn tưởng, thế nhưng, các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) đang ấp ủ dự án thiết kế những con mắt điện tử. Quy trình của công nghệ này thực tế là việc cấy ghép một bảng mạch điện tử nhỏ xíu vào trong kính áp tròng.
Những sợi dây điện được sử dụng chỉ “dày” có vài nanomet. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó sẽ tạo ra hiệu ứng hình ảnh động trên những con mắt điện tử. Nhưng hiện tại, kết quả về độ trung thực của hình ảnh thu được còn khá hạn chế.
Con mắt kỹ thuật số được thử nghiệm trên thỏ.
4. Sạc pin bằng thân nhiệt
Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc sạc chiếc iPod nano bằng cách cho… tiếp xúc với cơ thể mình? Ý tưởng này xem chừng có vẻ hơi “quái” nhưng câu trả lời là “có” đối với các nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ).
Họ đã sử dụng những sợi dây nano siêu nhỏ để chuyển hoá thân nhiệt cơ thể người thành năng lượng điện. Công nghệ này có thể sử dụng để biến các nguồn năng lượng khác thành điện năng. Theo tạp chí Journal ước tính, mỗi năm có tới 15 nghìn tỷ Watts bị lãng phí từ các loại động cơ vào môi trường dưới dạng nhiệt.
Sạc pin thiết bị điện tử bằng thân nhiệt là một ý tưởng quá "cool", phải không nào?
5. Phục hồi tổn thương
Đối với người trưởng thành, những chấn thương về xương khớp thường mất hàng tháng để hồi phục, chưa kể tổn thương ở hệ thần kinh có khi còn để lại hậu quả vĩnh viễn. Để đem lại niềm hy vọng mới cho các bệnh nhân, nhiều đội ngũ nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ nano để chế tạo ra một chất tên hydrogel, có tác dụng tạo mạch máu và kích thích tế bào gốc sản xuất, thay thế những tế bào bị tổn thương.
Công nghệ này có thể được ứng dụng để điều trị những tổn thương nghiêm trọng của tuỷ sống và bệnh Parkinson.
6. Chống lão hoá
Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã phát minh ra nanogel, một chất có tác dụng kích thích các tế bào gốc sản sinh ra chất sụn. Khi trưởng thành, cơ thể người không sản xuất thêm chất sụn nữa. Thậm chí, chất này còn bị mất đi khi về già, gây ra nhiều bệnh về khớp ở người cao tuổi.
Trong khi đó, tại Đại học Central Florida (Mỹ), bằng cách dùng vật liệu nano, các nhà khoa học đã có thể tăng tuổi thọ các tế bào thần kinh lên gấp 3, 4 lần. Có vẻ như con người trong tương lai không chỉ sống lâu hơn mà còn hạn chế được rất nhiều bệnh tật của người cao tuổi nữa.
Một ứng dụng trong y học tuyệt vời cho những người lớn tuổi.
7. Chữa trị ung thư
Mỗi năm, thế giới lại phát hiện thêm 1,5 triệu ca ung thư. Đây quả thực là một căn bệnh hiểm nghèo và hiện nay chưa tìm ra thuốc chữa.
Với những thành tựu trong y học, công nghệ nano được trông đợi sẽ góp phần trong việc chữa trị nhiều dạng khác nhau của căn bệnh này. Các nhà khoa học đưa vào cơ thể bệnh nhân những hạt thuốc có kích cỡ rất nhỏ, di chuyển theo đường máu cho đến khi tiếp cận với khối u. Sau đó, những hạt thuốc nano này sẽ nhận diện, tấn công và phá huỷ tế bào ung thư với độ chính xác cao.
Hiện tại, công việc chữa trị này mới dừng lại ở mức thử nghiệm và hy vọng, nó sẽ sớm được áp dụng trong cuộc sống.
Những khám phá, phát minh mới ứng dụng công nghệ nano trên đây chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa tương lai cho việc "biến hóa" con người trở thành siêu nhân với cơ thể khỏe mạnh và phát triển.