Lợi ích của Vitamin A từ thiên nhiên
Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu vitamin A vẫn còn xảy ra phổ biến đối với trẻ em, Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có khoảng 3 triệu trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến thiếu Vitamin A, đặc biệt là trẻ tại các nước đang phát triển và các nước đang có xung đột vũ trang.
Từ lâu, chúng ta đã biết được tầm quan trọng của vitamin A đối với sự tăng trưởng của con người và nhất là đối với trẻ em. Vitamin A không chỉ giúp phát triển thị giác mà còn góp phần vào sự tăng trưởng cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ nhằm ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm da, sởi và tiêu chảy… Các bệnh này đều có nguy cơ gây tử vong cho trẻ một khi sức đề kháng của trẻ bị giảm.
|
Bảng phân bố sự thiếu hụt vitamin A tại các quốc gia trên Thế giới (WHO)
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ bị thiếu vitamin A nhưng chủ yếu là do chế độ ăn hằng ngày. Trong thời kỳ ăn dặm, trẻ không có được các bữa ăn với nhiều loại thực phẩm đa dạng, bữa ăn quá đơn giản dẫn đến thiếu hụt lượng vitamin A cần thiết cho thời kỳ này. Ngoài ra, trong thời kỳ cho trẻ bú, các bà mẹ nếu không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cũng dễ làm cho sữa mẹ thiếu loại vitamin này.
|
Lượng vitamin A có trong các thực phẩm. Rau các loại: 36.4%; trái cây: 3.1; các loại thịt và cá nói chung: 22.9%; các sản phẩm từ sữa: 18.4%; trứng: 4.3%; dầu và chất béo: 13.2% và những thực phẩm khác: 1.7%.
|
Mặc dù vitamin A rất quan trọng như vậy nhưng không phải một lượng lớn là tốt cho co thể của tất cả mọi người. Sự lạm dụng vitamin A do thiếu hiểu biết đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào hàng báo động thứ 3 sau kháng sinh và các nhóm dược phẩm steroid. Lượng vitamin A được đưa vào cơ thể với liều quá cao so với nhu cầu sẽ tích tụ lại ở gan và gây ngộ độc. Quá liều vitamin A sẽ rất nguy hiểm với trẻ, trẻ dễ bị phù não, sốt, ra nhiều mồ hôi, nổi mẫn da… Nếu quá liều trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính ở trẻ với các biểu hiện như tóc mọc thưa, lồi mắc, đau đầu, mất ngủ, tăng áp lực nội sọ, rối loạn tiêu hóa, gầy còm…
|
Sơ đồ chuyển hóa beta-caroten thành vitamin A (retinol)
|
Xét một cách kỹ lưỡng, các vitamin nói chung và vitamin A nói riêng cũng là một loại thuốc chữa bệnh vì vậy không nên lạm dụng, sử dụng một cách không có ý thức.
Các khuyến cáo về liều dùng thông thường cho trẻ như sau: trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi uống ½ viên vitamin A 200.000 IU (International Unit - Đơn vị quốc tế), trẻ từ 13 đến 36 tháng tuổi uống 1 viên vitamin A 200.000 IU. Với các phụ nữ sau khi sinh cũng được yêu cầu dùng một liều vitamin A 200.000 IU (chỉ một liều duy nhất ngay sau khi sinh bé hoặc trong 1 tháng đầu sau sinh). Đây là điều rất quan trọng vì lượng vitamin này bổ sung vào sữa cho trẻ bú ngay trong những ngày đầu đời của trẻ. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ không được dùng vitamin A liều cao (quá 6.000 IU/ngày) để tránh gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Bổ sung lượng vitamin A qua các bữa ăn hằng ngày
Đây là cách bổ sung vitamin A an toàn nhất. Với một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì chúng ta không cần phải có các nguồn cung cấp vitamin A từ bên ngoài nữa.
Ngay từ lúc cho trẻ ăn dặm, cần coi trọng các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, gan… Đây là những thực phẩm rất nhiều đạm đồng thời cũng rất giàu vitamin A.
Các bữa ăn dành cho trẻ nên cần có dầu mỡ để tăng khả năng hấp thu vitamin A (vì đây là loại vitamin tan trong dầu). Trong mỗi chén bột hay cháo của trẻ, cần cho thêm từ 1 đến 2 muỗng cà phê dầu ăn.
Tạo cho trẻ thói quen ăn các loại rau quả từ sớm để tận dụng nguồn vitamin A rất dồi dào. Các loại rau có lá màu xanh đậm như rau cải, rau ngót… cùng các loại trái cây màu vàng, đỏ như cà chua, cà rốt, bí đỏ, cam, gấc, đu đủ… sẽ bổ sung cho cơ thể một lượng lớn beta-caroten, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Với việc cho trẻ các bữa ăn đa dạng như vậy thì nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thiếu vitamin A sẽ giảm rất đáng kể và không cần thiết phải bổ sung vitamin A từ các loại dược phẩm để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ.
|