Báo chí nói về bán hàng đa cấp - cần sự “gột rửa” về tư duy
Vừa qua, sau sự kiện Công ty TNHH Agel Việt Nam đóng cửa, nhiều bài báo đã phân tích nguyên nhân và đưa ra những cảnh báo cho những người tham gia các công ty bán hàng đa cấp khác và cả người tiêu dùng. Báo điện tử “Diễn đàn kinh tế VN” của Vietnamnet có bài “Dở khóc dở cười tham gia bán hàng đa cấp” đã phân tích và đưa ra một số khuyến cáo.
Tuy nhiên, khi xem lại những lý lẽ của tác giả bài báo đưa ra, tôi thấy có một số vấn đề cần phân biệt rạch ròi trong tư duy về “bán hàng đa cấp” để bạn đọc có thể tự đánh giá và đưa ra những chính kiến cho riêng mình, thay vì “suy nghĩ” chỉ bằng tai và bằng mắt theo dư luận số đông được định hướng từ một vài bài báo đầy rẫy thành kiến và tư duy có phần… “không bình thường”!
Thứ nhất, nhà phân phối phải đầu tư tiền mua sản phẩm. Nhiều người phải vay tiền để kinh doanh.
Quy định của pháp luật cấm các công ty KDTM bắt buộc người tham gia phải mua hàng, hoặc đặt cọc tiền để trở thành thành viên. Điều đó là cần thiết để cho người muốn tham gia có quyền tìm hiểu thật kỹ về mọi hoạt động, sản phẩm,… và chỉ đầu tư tiền sau khi hiểu thấu đáo và tự nguyện tham gia kinh doanh.
Còn khi đã trở thành thành viên KDTM, họ đã tìm hiểu nhưng vẫn không mua hàng thì điều gì xảy ra? Chẳng có gì cả! Đã kinh doanh thì phải bỏ vốn (dù KDTM yêu cầu số vốn rất ít so với các loại hình kinh doanh khác), hàng phải bán được, có doanh số thì công ty mới trả hoa hồng!
Hầu hết mọi người (và tác giả bài báo) đều công nhận ưu điểm của hình thức KDTM là không quảng cáo, mà thông tin sản phẩm lan truyền qua chính người tiêu dùng, nhà phân phối cũng là người tiêu dùng, quảng bá chất lượng sản phẩm qua kinh nghiệm của mình để tạo thêm khách hàng cho công ty KDTM, và nhờ đó được hưởng hoa hồng.
Vậy, nếu nhà phân phối không đầu tư tiền vốn, mua sản phẩm để dùng thì có gì để giới thiệu? Một mặt hàng mà mình khen rất tốt, rất cần cho người khác, nhưng bản thân mình không dùng thì ai sẽ nghe họ?
Nếu họ không mua hàng thì lấy gì để bán khi có người khác cần mua? Hay cứ phải là người “buôn nước bọt” thì mới là kinh doanh chân chính? Nếu mỗi nhà phân phối không ai chịu mua hàng (để bản thân dùng và bán lại một phần) mà cứ giục giã và chờ đợi người tuyến dưới của mình mua hàng để mình hưởng hoa hồng thì đó mới chính là hệ thống “ảo” toàn người chờ đợi ăn bám, và tất nhiên sẽ không thể tồn tại được, vì họ bắt chước nhau, có ai mua đâu mà hưởng hoa hồng?
Kinh doanh mà không có vốn thì có được không? Có nên đi vay hay cứ phải chờ đến bao giờ “tiết kiệm” đủ? Trong nền kinh tế không ai đi vay cả thì có cần đến các ngân hàng? Việc đi vay “nóng” là quyết định riêng của mỗi người, sao lại đổ tại “bán hàng đa cấp”?
Một người thất nghiệp, đang khó khăn về tài chính thì có nên vay tiền để làm KDTM? Theo tư duy của tác giả bài báo thì có lẽ họ nên vay tiền để đi học nghề, xin vào làm ở một chỗ nào đó, tích cóp, dành dụm để trả các khoản nợ, rồi lại tiếp tục chịu khó tiết kiệm, dành dụm,… cho đến bao giờ có được nhiều tiền rồi thì hãy nghĩ đến chuyện tham gia KDTM?!!!
Thứ hai, về phong cách và hình ảnh của người làm KDTM.
Nhà phân phối cũng là một người kinh doanh, nếu không học hỏi, thay đổi bản thân để có phong cách đàng hoàng, lịch sự, nếu không học cách giao tiếp, thuyết phục, không “ăn diện chỉn chu” thì liệu ai sẽ tin tưởng và mua hàng, hoặc hợp tác với họ? Một người phải có ý chí và tin tưởng vào con đường mình đi sẽ mang đến sự thành công và giàu có, phải có tư tưởng của người thành đạt thì mới có thể thu hút và tìm được bạn đồng hành là những con người khao khát thành đạt. Liệu có ai muốn hợp tác và đi theo một người mà chính bản thân họ cũng không biết sẽ đi đâu về đâu?
Những doanh nhân KDTM có thể xuất phát là những con người rất bình thường, ở mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp trong xã hội, là công nhân, giáo viên, công chức, bác sĩ, kỹ sư,… không quan trọng họ đã là ai, mà quan trọng là họ biết đang đi đâu, về đâu, họ sẽ là ai trong tương lai! Khi tham gia KDTM, họ được học những kỹ năng cần thiết của cuộc sống như làm chủ bản thân, thay đổi nhận thức tư tưởng từ làm thuê sang tư tưởng làm chủ vận mệnh của mình, các kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thu hút và dẫn dắt, giúp đỡ người khác, kỹ năng tạo dựng hình ảnh và uy tín bản thân… đó là điều hết sức quý giá trong KDTM chân chính, cũng như bất kỳ hình thức kinh doanh nào. Một xã hội có những con người như vậy có phải là một xã hội văn minh mà Việt Nam đang phải nỗ lực hướng đến trên con đường hội nhập với thế giới?
Vậy mà một số tác giả lại đang lên án những điều đó! Và quy chụp cho tất cả những người KDTM mà có “hình ảnh đẹp” là sự giả tạo, lừa dối! Hay tác giả đó muốn một người đang là công nhân thì hãy suốt đời giữ mãi hình ảnh và cuộc sống của người công nhân, tuân theo sự “phân công và sắp đặt của xã hội”!!!
Thứ ba. “Người tham gia KDTM chỉ được nói tốt về công ty, về sản phẩm của mình đang phân phối, đặc biệt không được nói rằng mình bị lừa”.
Tư duy kiểu gì mà kỳ lạ vậy! Ai lừa ai? Ai là thủ phạm và nạn nhân?
Nếu biết rằng công ty, sản phẩm đó không tốt thì cách phản ứng sẽ tùy thuộc họ là loại người nào:
Nếu là người chính trực thì phải loan tin, thông báo cho mọi người rằng nó không tốt, rằng mình trót bị lừa (nếu có), phải kiện hoặc tố cáo để đòi lại quyền lợi của mình. Và như vậy, họ đâu còn ở lại với công ty đó để mà nói tốt về sản phẩm.
Nếu là người tham tiền, bất chấp thủ đoạn để lừa gạt người khác, kiếm lợi cho mình thì rõ ràng đó là kẻ lừa đảo và công ty đó cũng vậy. Trên đời có kẻ lừa đảo nào lại nói “tôi đang lừa bạn đấy”!
Việc chọn 1 trong 2 cách trên chính là do tự người trong cuộc quyết định, không thể nói là do ai bắt mình phải lừa đảo. Làm gì có công ty đa cấp nào “bắt” được mình phải đi lừa người thân quen?
Mặt khác, theo tác giả bài báo, nếu giả sử có sản phẩm tốt, công ty tốt thật, thì nhà phân phối phải nói như thế nào mới là hợp lý?
Thứ tư, trong bài báo hầu như không có một từ nào dùng để phân biệt công ty KDTM chân chính và công ty giả dạng KDTM để lừa đảo.
Tác giả đều gọi chung là “các doanh nghiệp bán hàng đa cấp” mà “đặc điểm nổi bật” là: “chất lượng sản phẩm kém”, “không thực hiện các quy định”, “lợi dụng kẽ hở trong quản lý để vô tư thu lợi bất chính”, “đưa ra những hứa hẹn đầy mê hoặc… khiến nhiều người lóa mắt”… Đây có phải là một sự đánh đồng có chủ ý? Và nguy hiểm là ý kiến “dọn đường cho dư luận” đó lại được dựa trên những thành kiến và hiểu biết hạn hẹp về đặc thù của phương pháp KDTM và các công ty KDTM hiện hoạt động tại Việt Nam?
Chính tác giả đã nêu một số ưu điểm của hình thức KDTM trên thế giới và viết “hình thức bán hàng đa cấp là một xu thế khó cưỡng lại được”. Nếu KDTM có nhiều ưu điểm thì nên phát huy và tìm cách quản lý cho tốt chứ ai cần “cưỡng lại” để làm gì? Các công ty lựa chọn áp dụng phương pháp KDTM tiên tiến đó tại Việt Nam thì bỗng chốc biến thành “kẻ lừa đảo”?
Trên thực tế, hầu hết các nước đều đã công nhận hình thức kinh doanh này, đã có nhiều tập đoàn KDTM lớn, sản phẩm có uy tín đã mở rộng phát triển tại thị trường Việt Nam như Amway, Vision, Oriflame,… Tập đoàn Agel cũng là một trong số đó. Công ty nào quản lý có vấn đề thì những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… cho đến khi bị pháp luật “sờ gáy”! Còn các công ty khác có sản phẩm danh tiếng thế giới thì sao? Họ có chỗ đứng trên thị trường VN là hoàn toàn xứng đáng, và đó cũng là quyền lợi của người tiêu dùng VN, là cơ hội tạo công việc và nguồn thu nhập chính đáng cho những người dân VN tham gia.
Tóm lại, để định hướng dư luận và phân tích cho người dân hiểu đúng về kinh doanh đa cấp và phân biệt được những công ty “ảo” và công ty KDTM chân chính, để cho người dân có thông tin mà không bị mắc lừa thì cần những bài viết có trách nhiệm, có đầu tư tìm hiểu chiều sâu, và quan trọng nhất là đừng mang lối tư duy cũ để áp đặt và đánh giá những điều mới, mang tính cách mạng. Có như vậy mới có thể đánh giá chính xác, khách quan và trung thực và mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng.