"Tôi muốn có những thương vụ tốt đến mức thậm chí một kẻ ngốc cũng có thể kiếm được tiền. Khi đầu tư, chúng tôi coi bản thân mình là những nhà phân tích kinh doanh chứ không phải là nhà phân tích thị trường", nhà buôn tiền lừng danh Warren Buffet bật mí bí quyết kinh doanh của mình.
Warren Buffet chia nguyên tắc đầu tư của mình thành 4 nhóm, gồm nguyên lý kinh doanh với những đặc điểm cơ bản của bản thân doanh nghiệp; nguyên tắc quản lý với những phẩm chất quan trọng mà các nhà quản lý cấp cao phải thể hiện; nguyên lý tài chính gồm 4 quyết định tài chính then chốt mà một công ty phải duy trì. Cuối cùng là nguyên lý giá trị với hai hướng dẫn có quan hệ mật thiết với nhau về giá mua.
Xin giới thiệu cùng độc giả nguyên tắc thứ nhất trong nguyên lý đầu tư của Warren Buffett.
Buffett không coi chứng khoán là một thứ gì đó rất trừu tượng. Ông cũng không nghĩ theo khía cạnh các lý thuyết thị trường, khái niệm vĩ mô, hay xu hướng của ngành. Thay vào đó, ông đưa ra quyết định đầu tư chỉ dựa trên việc doanh nghiệp đó hoạt động như thế nào. Ông tin rằng nếu lựa chọn một vụ đầu tư chỉ vì bề ngoài chứ không dựa trên nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh, thì khả năng gặp thất bại là rất lớn. Do vậy, Buffett tập trung vào nghiên cứu thận trọng tất cả những gì ông biết về công ty, tập trung vào ba vấn đề chính:
1. Công việc kinh doanh của công ty có đơn giản và dễ hiểu không?
2. Công ty có lịch sử hoạt động hợp lý không?
3. Công ty có triển vọng kinh doanh trong dài hạn không?
Theo quan điểm của Buffett, thành công tài chính của các nhà đầu tư có mối quan hệ mật thiết với trình độ hiểu biết công việc của họ. Do vậy, cần phân biệt những nhà đầu tư có định hướng kinh doanh với những nhà đầu tư “kinh doanh kiểu chộp giật”. Một quyết định mua hay không mua là rất quan trọng bởi xét cho cùng, sau khi nghiên cứu, các nhà đầu tư phải cảm thấy thuyết phục rằng công ty mà họ mua sẽ hoạt động tốt trong tương lai.
Họ phải tin tưởng vào khả năng dự đoán lợi nhuận trong tương lai của mình. Họ hiểu sâu như thế nào về các nền tảng kinh doanh của công ty đó. Dự đoán tương lai luôn luôn đòi hỏi phải tinh tế. Mọi việc sẽ càng trở nên khó khăn hơn trên một thương trường mà bạn không hiểu gì về nó cả.
Qua nhiều năm, Buffett sở hữu nhiều loại hình công ty: Nhà ga, nông trại, công ty dệt may, nhà bán lẻ quan trọng, ngân hàng, công ty bảo hiểm, hãng quảng cáo, công ty xi măng, báo chí, đồ uống và thực phẩm, công ty truyền hình và truyền hình cáp... Ông kiểm soát một số công ty trong số này và một số khác ông đã hoặc đang là một cổ đông. Nhưng trong tất cả các trường hợp, ông đã hoặc đang nhận ra chính xác những công ty đó hoạt động như thế nào. Ông hiểu rõ doanh thu, chi phí, lưu lượng tiền mặt, mối quan hệ nhân công, sự linh hoạt của giá, và nhu cầu phân bổ nguồn vốn của mỗi công ty cổ phần đơn vị của Berkshire.
Buffett duy trì mức độ hiểu biết cao về các ngành kinh doanh của tập đoàn Berkshire vì ông chỉ lựa chọn các công ty trong phạm vi hiểu biết tài chính và trí tuệ của mình. Ông gọi đó là “vòng tròn khả năng”: "Nếu bạn sở hữu một công ty (cho dù là sở hữu toàn bộ hay chỉ một số cổ phiếu) trong một ngành bạn không hiểu gì về nó, không thể dự đoán sự phát triển chính xác thì bạn sẽ không thể đưa ra một quyết định sáng suốt được". Ông khuyên: “Hãy đầu tư trong vòng tròn khả năng của bạn. Vấn đề không phải là vòng tròn khả năng lớn như thế nào, mà vấn đề là bạn xác định giới hạn đó chuẩn xác như thế nào”.
Các nhà phê bình cho rằng những giới hạn mà Buffett tự áp đặt cho mình đặt ông ra ngoài những ngành có tiềm năng đầu tư lớn nhất, ví dụ như công nghệ. Ông trả lời rằng: “Đầu tư thành công không phải là vấn đề bạn hiểu biết nhiều như thế nào mà là bạn xác định điều bạn không biết thực tế như thế nào. Một nhà đầu tư chỉ cần làm rất ít việc miễn là anh ta tránh mắc phải những sai lầm lớn”. Để có được kết quả trên mức trung bình, Buffett đã phải học, thường là bằng cách làm những việc bình thường.
Tháng 11/2000, Warren Buffett và Berkshire Hahthaway chi 11 tỷ đôla cho công ty Benjamin Moore &Co., “Mercedes” của các công ty sơn. Anh em nhà Moore sáng lập ra công ty vào năm 1883 tại tầng hầm Brooklyn của họ. Hiện nay, Benjamin Moore là một trong năm công ty sơn lớn nhất Mỹ và danh tiếng về chất lượng luôn vượt trội.
Theo báo cáo, Buffett thanh toán 25% tiền lãi theo giá hiện tại của chứng khoán. Xét bề ngoài, điều đó có vẻ như đối lập với một trong những Nguyên tắc cứng rắn của Buffett: Đó là ông sẽ chỉ hành động khi giá đủ thấp để tạo ra biên độ an toàn. Tuy vậy, chúng ta cũng biết rằng Buffett không ngại trả tiền để đổi lấy chất lượng. Rõ ràng là giá chứng khoán tăng vọt 50% lên thành 37,62 đôla một cổ phiếu sau khi vụ mua bán được công bố. Điều này cho thấy, hoặc là Buffett tìm ra công ty khác bị định giá thấp hoặc là phần còn lại của thế giới đầu tư đang tin vào sự nhạy cảm của ông và đẩy giá cả lên thậm chí cao hơn hoặc cả hai.
Benjamin Moore chỉ là một loại công ty Buffett thích. Ngành kinh doanh sơn chẳng là gì cả nếu không đơn giản và dễ hiểu. Buffett cũng có ý định mua các công ty có một lịch sử hoạt động ổn định và kết quả là sau khi mua công ty, ông sẽ không cần phải thay đổi hệ thống hoạt động của nó. Gu đầu tư của ông là mua những công ty thành công và vẫn có triển vọng tăng trưởng.
Thành công và tình trạng hiện tại của Benjamin Moore trên thương trường qua nhiều thập kỷ khẳng định chất lượng sản phẩm, sản xuất, sức mạnh nhãn hiệu, và dịch vụ ổn định của công ty. Hiện tại, sau 121 năm thành lập, công ty gặt hái được khoảng 80 triệu đôla lợi nhuận trên 900 triệu đôla doanh thu bán hàng.
Khi nghiên cứu Benjamin Moore, Buffett cũng thấy đây là một công ty hoạt động tốt. Mặc dù cách đây vài năm người ta vẫn còn băn khoăn về chiến lược bán lẻ của Moore, công ty đã tiến hành một chương trình trẻ hóa nhãn hiệu tại Mỹ và Canada. Benjamin Moore tăng lượng bán lẻ tại các cửa hàng độc lập bằng chương trình Singature Store và mua một số cửa hàng bán lẻ như cửa hàng Janovic đặt tại Manhattan. Chỉ trước vụ mua lại của Berkshire hồi năm 2000, công ty đã tiến hành một chương trình giảm thiểu chi phí và hợp lý hóa nhằm mục đích cải thiện hệ thống hoạt động của công ty.
Ngành kinh doanh của Coca-Cola tương đối đơn giản. Công ty mua hàng hóa đầu vào và kết hợp chúng lại để sản xuất ra một dung dịch, rồi đem bán chúng cho nhà đóng chai. Nhà đóng chai kết hợp dung dịch đó với những nguyên liệu khác và đem bán sản phẩm hoàn chỉnh cho các cửa hàng bán lẻ như các bách hóa, siêu thị, và các máy bán hàng tự động. Công ty cũng cung cấp sản phẩm nước ngọt cho các đại lý bán lẻ, những người bán nước ngọt cho người tiêu dùng theo tách hoặc chén.
Các nhãn hiệu sản phẩm của công ty bao gồm nước giải khát Coca-Cola, Diet Coke, Sprite, PiBB Xtra, Mello Yello, Fanta, Tab, Dasani và Fresca. Các đồ uống của công ty bao gồm các sản phẩm nước hoa quả nhãn hiệu Hi-C, nước cam Minute Maid, Powerade, và Nestea. Công ty sở hữu 45% Coca-Cola Enterprises, là công ty đóng chai lớn nhất nước Mỹ, và 35% Coca-Cola Amatil - công ty đóng chai Australia, không chỉ quan tâm tới sản phẩm ở riêng Australia mà còn cả sản phẩm ở New Zealand và Đông Âu.
Thế mạnh của Coca-Cola không chỉ là nhãn hiệu của các sản phẩm mà còn là hệ thống phân phối có một không hai trên thế giới của hãng. Ngày nay, doanh số bán hàng trên thế giới của các sản phẩm Coca-Cola chiếm 69% doanh số bán hàng thuần của công ty và 80% lợi nhuận của hãng. Cùng với Coca-Cola Amatil, công ty còn được hưởng lãi suất trên vốn cổ phần của các công ty đóng chai ở Mexico, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đài Loan, Hong Kong, và Trung Quốc.
Ông nội của Buffett từng sở hữu và biên tập tờ Cuming County Democrat, một tờ tuần báo ở West Point, Nebraska. Bà nội ông giúp việc tại tòa soạn và cũng sắp chữ tại cửa hàng in của gia đình. Cha ông, trong khi đang theo học trường Đại học Nebraska, làm biên tập cho tờ Daily Nebraskan. Bản thân Buffett từng là nhà quản lý phát hành cho tờ Lincoln Journal. Mọi người thường nói rằng nếu Buffett không lao vào sự nghiệp kinh doanh, gần như chắc chắn ông sẽ theo đuổi nghề báo.
Năm 1969, Buffett mua tờ báo quan trọng đầu tiên, tờ Omaha Sun, cùng với một nhóm những tờ báo tuần khác; từ những tờ báo này, ông học được sự năng động trong kinh doanh một tờ báo. Ông có 4 năm kinh nghiệm thực tế điều hành một tờ báo trước khi mua cổ phiếu đầu tiên của Washington Post.
Buffett hiểu rất rõ ngành ngân hàng. Trong năm 1969, Berkshire mua 98% Ngân hàng Quốc gia Illinois và Trust Company và nắm giữ nó cho tới năm 1979 khi Luật cổ phần ngân hàng yêu cầu Berkshire phải gạt bỏ toàn bộ lợi tức của công ty. Trong suốt khoảng thời gian 10 năm, ngân hàng đã hoạt động bên cạnh các công ty cổ phần khác mà Berkshire kiểm soát và Buffett báo cáo lợi nhuận và doanh thu mỗi năm của ngân hàng trong các báo cáo thường niên của Berkshire.
Buffett hiểu rõ sự rắc rối phức tạp của ngành kinh doanh bảo hiểm. Chính Gene Abegg - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Quốc gia Illinois đã dạy Buffett về kinh doanh ngân hàng. Ông biết rằng, các ngân hàng sẽ kinh doanh có lãi chỉ cần khoản cho vay được đưa ra một cách có trách nhiệm và các chi phí được giảm thiểu. Một ngân hàng được quản lý tốt không chỉ có thể tăng lợi nhuận mà còn thu được một số lợi tức trên vốn cổ phần.
Giá trị dài hạn của một ngân hàng theo Buffett là được xác định thông qua hành động của các nhà quản lý của ngân hàng đó, bởi vì họ kiểm soát hai chỉ số quan trọng: chi phí và các khoản cho vay. Những nhà quản lý tồi luôn có cách đẩy chi phí hoạt động lên trong khi tạo ra các khoản cho vay ngu xuẩn.
Carl Reichard, sau này là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Wells Fargo, điều hành ngân hàng từ năm 1983 đã đạt được những kết quả ấn tượng. Dưới sự lãnh đạo của ông, cả tăng trưởng của lợi nhuận và lợi nhuận trên vốn cổ phần đều trên mức trung bình và hiệu quả hoạt động luôn ở mức cao nhất trên toàn quốc. Reichardt cũng xây dựng được một danh mục cho vay vững chắc.
Buffett không thích những công ty đang phải giải quyết những khó khăn, rắc rối. “Chúng tôi thích những cổ phiếu có mức sinh lợi cao trên vốn đầu tư, để chắc chắn rằng nó sẽ còn tiếp tục như vậy”, Buffett nói điều này trong đại hội thường niên của Berkshire năm 1995. Sau đó, ông nói thêm: “Tôi xem xét lợi thế cạnh tranh trong dài hạn và xem liệu nó có kéo dài lâu không”. Điều đó có nghĩa là, ông tìm kiếm thứ ông gọi là nhượng quyền kinh doanh.
"Khi tìm kiếm khả năng tồn tại lâu dài của một công ty nhượng quyền kinh doanh, điều quan trọng nhất đối với tôi là khám phá xem lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp tới mức nào. Tất nhiên tôi vẫn yêu thích một lâu đài lớn có tường rào và hào sâu với cá piranhas và cá sấu", Warren Buffett nói.